– Thực phẩm chức năng và Sản phẩm chức năng hiện nay đang là trào lưu sử dụng để bảo vệ sức khỏe trên thế giới và Việt Nam, để phân biệt được hai loại sản phẩm trên chúng ta cùng tìm hiểu bài viết dưới đây.
Thông thường khái niệm “Thực phẩm chức năng” (TPCN) chỉ các sản phẩm có tác dụng phòng bệnh và hỗ trợ các chức năng của cơ thể, đây không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. TPCN chủ yếu để phòng ngừa và hỗ trợ trong quá trình điều trị bệnh. Nói là TPCN vì chủ yếu các sản phẩm trên dùng bằng cách qua đường uống – tức là qua thực quản và các Sản phẩm chức năng (SPCN) là các sản phẩm sử dụng không qua đường uống – tức có thể qua đường hô hấp, hậu môn, niệu đạo, âm đạo, qua da, qua tóc hoặc qua các huyệt đạo trong cơ thể. Các sản phẩm đó trên thế giới (như Mỹ, EU, Nhật, Trung quốc…) gọi là sản phẩm bảo vệ sức khỏe hay sản phẩm chức năng (SPCN) như một số cao dán ở Nhật Bản có tác dụng kích thích lưu thông khí huyết được dán tại một số huyệt đạo cũng là SPCN. Tại Đài Loan có lưu hành sản phẩm chức năng là một số sản phẩm có từ tính dùng để tăng cường sức khỏe cũng được đăng ký ở dạng SPCN. Độc đáo hơn có dạng SPCN dùng để xịt lên mặt tạo cảm giác dễ chịu, sảng khoái cho da mặt (sản phẩm của Pháp được làm từ nguồn nước khoáng thiên nhiên – cung cấp khoáng chất cho da). Trên thế giới cũng như tại Việt Nam gần đây, liệu pháp dùng oxi cao áp như là một biện pháp làm tăng sức khỏe hô hấp, chống ô nhiễm không khí cũng được coi như SPCN (không đăng ký là thuốc) và cộng đồng cũng rất quan tâm đến liệu pháp này.
Việt Nam đã gia nhập WTO và đang hội nhập với thế giới, chúng ta phải cập nhật các khái niệm trên để có cách giải quyết thích hợp tránh tình trạng hiểu nhầm đáng tiếc. Bộ Y tế nên có văn bản chính thức hướng dẫn quản lý các SPCN tránh nhầm lẫn giữa dược phẩm, mỹ phẩm, TPCN hay thiết bị y tế.
Ở Mỹ, các SPCN giống như TPCN do đơn vị sản xuất tự công bố chất lượng, một tổ chức phi chính phủ giám định và hợp chuẩn cho tiêu chuẩn đó còn cơ quan quản lý chỉ làm công tác hậu kiểm. Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật – 68/2006/QH11 của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã ban hành chi tiết các điều khoản liên quan tới hợp chuẩn và hợp quy.
TPCN và SPCN hiện nay đang là vẫn đề “nóng” của toàn xã hội, do vậy, Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (VADS) đã cho ra mắt cuốn sách “Thực Phẩm chức năng” do PGS.TS Trần Đáng làm chủ biên nhằm giúp cho các nhà quản lý, các nhà chuyên môn, các nhà kinh doanh và người sử dụng có thêm kiến thức về TPCN để “Hiểu đúng – Làm đúng – Dùng đúng” về các sản phẩm TPCN và SPCN .
Xu thế sử dụng TPCN và SPCN đang ngày càng phát triển trên toàn thế giới nhất là ở các nước phát triển do các lợi ích không thể phủ nhận của nó đối với sức khỏe, do yếu tố bảo vệ môi trường (vì phần lớn các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên), không có tác dụng phụ và có thể sử dụng lâu dài. Chúng ta cần hiểu chính xác các khái niệm trên để có thể lựa chọn các sản phẩm phù hợp nhất cho việc giữ gìn và bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình và những người xung quanh.