Cơ thể trẻ luôn cần đầy đủ dưỡng chất để phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ. Do đó, ngoài 3 bữa chính, mẹ cần bổ sung cho con 2-3 bữa phụ mỗi ngày. Các bữa ăn này cũng cần cân đối, thực hiện một cách khoa học chứ không được “nhồi nhét”.
Bữa phụ là một cách gọi để phân biệt với 3 bữa ăn chính giàu chất đạm, bột, béo. Trong bữa ăn phụ, trẻ ăn ít hơn, chỉ cần cung cấp năng lượng và dinh dưỡng vừa phải để trẻ phát triển cân bằng và khỏe mạnh. Vì vậy, thức ăn mẹ chọn cần đảm bảo vừa dễ tiêu hoá, vừa bổ sung nhiều vi chất, các loại vitamin, chất xơ, canxi… cần thiết cho sự phát triển của bé.
Việc lựa chọn thực phẩm cho bữa ăn phụ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến bữa ăn chính và sự phát triển tổng thể của bé. Đó là lý do, cha mẹ cần phải bố trí bữa ăn phụ cho bé một cách khoa học. Ảnh minh họa.
Tại phòng khám và tư vấn dinh dưỡng ở quận 5, TP HCM, một bà mẹ có con ba tuổi than phiền với bác sĩ: “Tại sao con tôi ăn rất ít trong bữa chính”. Khi bác sĩ hỏi cặn kẽ, chị cho biết, chị thường cho con ăn bữa phụ lúc 4h30 chiều với khẩu phần một cây xúc xích Đức ăn cùng bánh mì và một ly nước ngọt. Do đó, đến bữa ăn chính lúc khoảng 6h chiều, bé không muốn ăn nữa.
Theo các bác sĩ dinh dưỡng, sai lầm lớn nhất của nhiều phụ huynh là cho con ăn bữa phụ quá giàu chất béo, đường. Khẩu phần này đã cung cấp đủ năng lượng, khiến trẻ có cảm giác no và không có nhu cầu ăn vào bữa chính. Thấy con bỏ bữa chính hoặc ăn ít, một số người lại điểm mặt “thủ phạm” là bữa ăn phụ, liền nghĩ đến việc cắt bỏ bữa ăn này hoặc ra sức ép, dụ trẻ ăn trong bữa chính.
Vòng luẩn quẩn đó dẫn đến những hệ quả không tốt đối với sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ. Về thể chất, trẻ có xu hướng bị béo phì do quá thừa năng lượng. Về tâm lý, trẻ cảm thấy áp lực, khổ sở khi đến giờ ăn, dần dần không thiết tha gì với chuyện ăn uống và không có cảm giác ngon miệng.
Một nghiên cứu tại Đài Loan đã cho kết quả: đồ ăn nhẹ lành mạnh gồm các sản phẩm từ sữa, nước ép trái cây nguyên chất và trái cây tươi. Đồ ăn nhẹ không lành mạnh, tác động xấu đến sự phát triển của bé gồm thực phẩm có chất béo, đường cao như bánh, kẹo, đồ uống có ga và thức ăn nhanh.
Các nghiên cứu cho thấy, sở thích của trẻ sẽ quyết định đến việc lựa chọn thực phẩm cho bữa ăn nhẹ là lành mạnh hay không. Chính “môi trường thực phẩm” trong gia đình, sự lựa chọn thực phẩm của cha mẹ cho con ngay từ trong gia đình sẽ tác động đến sở thích này của bé. Ảnh minh họa.
Một số gợi ý dưới đây sẽ giúp mẹ xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh cho các bé:
– Trái cây, nước trái cây tươi: Một trái chuối, một quả táo hay một ly nước cam… là bữa phụ tuyệt vời cho trẻ. Bất kỳ loại trái cây nào cũng tốt cho cơ thể trẻ em vì chúng cung cấp các loại vitamin và khoáng chất cần thiết. Trái cây cũng chứa nhiều chất xơ, tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ em, giúp trẻ hấp thụ tốt các dưỡng chất ở bữa chính.
– Các loại hạt: Những loại hạt như hạt óc chó, hạnh nhân, lạc, hạt điều… đều chứa các loại chất béo lành mạnh cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ.
– Trứng: Một quả trứng gà vào bữa phụ sẽ cung cấp cho trẻ vitamin D, protein, choline, canxi… giúp bé phát triển về thể chất và trí não.
– Sữa chua: thực phẩm này có chứa nhiều canxi, vitamin, giúp trẻ phát triển hệ xương chắc khoẻ. Ngoài ra, sữa chua có bổ sung nhiều vi khuẩn có lợi và chất xơ sẽ giúp bé có hệ tiêu hóa khỏe mạnh để trẻ ăn uống ngon hơn trong bữa chính. Hương vị chua chua ngọt ngọt ngon miệng của sữa chua sẽ giúp các bé cảm thấy tự giác, thích thú hơn với bữa ăn. Bên cạnh đó, trẻ ăn sữa chua sẽ cảm thấy ngon miệng hơn vào bữa chính, ăn uống chừng mực và tiêu hoá tốt. Với sữa chua, bạn cũng có thể chế biến nhiều món ăn hấp dẫn như trái cây trộn sữa chua hay ăn cùng bánh mì… để thu hút bé hơn.