– Để có trái tim khỏe mạnh, hãy kiểm soát các yếu tố nguy cơ đối với bệnh tim như béo phì, hút thuốc lá, chế độ ăn…. Ngoài ra, còn cần bổ sung những thực phẩm được cho là có lợi cho tim:
1. Dầu cá
Ăn nhiều cá hoặc dùng dầu cá bổ sung là sự đầu tư an toàn và có lợi cho cả nam và nữ, bất kể bạn đã từng bị bệnh tim hay chưa. Tuy nhiên, phụ nữ có ý định sinh con nên hạn chế ăn cá có hàm lượng thủy ngân cao, như cá mập, cá kiếm, cá thu loại lớn và cá ngói, hoặc cá có dấu hiệu bị ô nhiễm chất thải công nghiệp như polychlorinated biphenyls (PCB).
2. Chất chống ôxy hóa
Chất chống ôxy hóa làm chậm quá trình ôxy hóa nhờ trung hòa gốc tự do. Bằng cách hạn chế quá trình ôxy hóa và giảm lượng LDL hấp thu, chất chống ôxy hóa có thể làm giảm nguy cơ bệnh tim. Vitamin C, vitamin E, beta caroten và coenzyme Q-10 là các chất chống ôxy hóa.
Vitamin C (acid ascorbic)
Mặc dù các nghiên cứu cho thấy những người ăn chế độ ăn giàu vitamin C có tỉ lệ bệnh tim thấp hơn nhưng vẫn ít bằng chứng cho thấy dùng vitamin C bổ sung có lợi ích tương tự. Vì nhiều lợi ích sức khỏe không liên quan đến tim của vitamin C, như giảm các triệu chứng cảm lạnh, bảo vệ da và giảm nguy cơ bị đục thủy tinh thể, bạn có thể dùng 250-500 mg/ngày bất kể bạn có bị bệnh tim hay không. Nếu bạn có tiền sử sỏi thận, không nên dùng bổ sung vitamin C.
Vitamin E (tocopherol)
Một số nghiên cứu cho thấy vitamin E ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình hình thành mảng bám nếu bạn bị bệnh tim.
Không nên dùng vitamin E nếu bạn đang dùng thuốc chống đông. Liều cao vitamin E có thể cản trở quá trình đông máu.
Beta caroten
Beta caroten là một carotenoid, có nhiều trong cà rốt, dưa đỏ, bí ngô, khoai tây và cà chua. Beta caroten từ thực phẩm có liên quan với nguy cơ bệnh tim thấp. Tuy nhiên, một vài nghiên cứu cho thấy bổ sung beta caroten không có tác dụng chống lại bệnh tim, vì vậy không khuyên dùng beta caroten bổ sung, đặc biệt ở người hút thuốc lá.
Coenzym Q-10
Chất chống ôxy hóa này do cơ thể sinh ra, cũng có trong nhiều loại thực phẩm như thịt và hải sản. Tác dụng chống ôxy hóa của nó tương tự như vitamin E.
3. Các vitamin nhóm B
Một số vitamin B như B3, B6, B9 và B12 có liên quan với việc cải thiện sức khỏe. Các vitamin này thậm chí còn trở nên quan trọng hơn vì chúng có thể làm giảm nồng độ homocystein máu (nồng độ homocystein máu cao có liên quan với tăng nguy cơ bệnh tim, đột quỵ và bệnh mạch ngoại vi).
Vitamin B3 (niacin)
Một số bác sĩ kê đơn vitamin B3 liều cao để giúp cải thiện nồng độ chất béo trong máu. Vitamin B3 có thể hạ cholesterol LDL, tăng cholesterol “tốt” HDL. Chỉ nên dùng vitamin B3 theo hướng dẫn của bác sĩ.
Tác dụng phụ bao gồm đỏ mặt, đau đầu, chuột rút, buồn nôn, ngứa, rối loạn dạ dày ruột, tổn thương gan, tăng đường huyết và nhịp tim bất thường.
Vitamin B6 (pyridoxin)
Vitamin B6 cùng tác động với vitamin B12 và B9 để làm giảm nồng độ homocystein.
Hãy hỏi bác sĩ trước khi dùng vitamin B6 nếu bạn có vấn đề về ruột, bệnh gan, cường năng tuyến giáp, bệnh tế bào liềm hoặc đang bị stress nặng do ốm đau, bỏng, tai nạn hoặc chấn thương.
Vitamin B9 (acid folic)
Một số nghiên cứu cho thấy nguy cơ bệnh tim giảm ở những người dùng vitamin B9 và B6 nhiều nhất, từ chế độ ăn hoặc do bổ sung multivitamin..
Vitamin B12 (cobalamin)
Thiếu vitamin B12 có thể gây thiếu máu. Những người ăn chay được khuyên dùng các chất bổ sung vitamin B12.
4. Các chất bổ sung khác
Một số chất bổ sung chế độ ăn khác được cho là tốt cho sức khỏe. Thí dụ tỏi làm giảm cholesterol, tránh kết dính tiểu cầu gây tắc mạch; cây táo gai cải thiện chức năng tim…