Thấy bé yêu bị cảm, người mệt mỏi và hay quấy khóc, mẹ nào cũng muốn cho con mình chóng khỏi bệnh. Nhưng cho bé uống nhiều thuốc liệu có phải là cách hay?
Dưới đây là một vài món cháo vừa có tác dụng trị được cảm lạnh, lại vừa bổ sung dinh dưỡng cho bé yêu.
Cháo gà
Cháo gà nóng là một trong những món ăn “cổ điển” từ xưa tới nay rất tốt cho các bệnh cảm lạnh và viêm họng không chỉ đối với người lớn mà còn có công dụng với cả trẻ nhỏ. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, cháo gà có đặc tính kháng viêm, giảm sự di chuyển của bạch cầu trung tính – các thế bào miễn dịch kích thích sự phát triển của chất nhầy không có lợi.
Vì vậy nếu bé yêu của bạn đang bị ốm trong tiết trời lạnh giá, chẳng có lí do gì để bạn không nấu cho bé một bát cháo gà thật nóng, sức khỏe và bệnh viêm họng của bé sẽ được cải thiện đáng kể đấy.
Cháo lá tía tô
Tía tô là loại cây rau gia vị rất thông dụng ở nước ta, lá dùng để nấu canh hoặc ăn sống. Ngoài việc dùng để ăn, lá và hạt tía tô đều là những vị thuốc phổ biến trong Đông y. Lá tía tô vị cay, tính ấm có tác dụng giúp bé yêu của bạn hạ khí, tiêu đờm, chữa ho, sốt, thở gấp, ngực khó chịu.
Trước tiên bạn hãy rửa thật sạch lá tía tô, cho một lượng nước vừa phải vào sắc. Đến khi nước cạn còn một nửa thì bỏ bã, lấy nước đó cho gạo đã vo vào, thêm nước và nấu thành cháo đặc.
Ngày cho bé ăn 1 bát, chia ra làm 2 lần sáng và tối. Tốt nhất là nên cho bé ăn lúc cháo còn nóng sẽ toát mồ hôi nhanh chóng và nhớ tránh gió, dùng khăn lau khô mồ hôi.
Cháo táo đỏ, bí ngô
Đây là một loại cháo khá dễ chế biến và lại có tác dụng rất tốt, có thể trị cảm cho bé yêu của bạn.
Bạn lấy một quả bí ngô, táo đỏ khoảng 500g, đường đỏ 200g. Sau đó rửa sạch bí ngô, táo đỏ và bỏ vào nồi nấu cùng với đường đỏ, đổ nước vừa đủ để nấu thành cháo. Món cháo này dễ ăn, có tác dụng giúp bé yêu thanh phế, trừ ho hen, chống dị ứng và có thể trị ho lâu ngày ở trẻ. Với món cháo này mỗi ngày bạn cho bé ăn 1 bát nhé.
Cháo cà chua với sữa
Nghe có vẻ lạ tai, nhưng mách nhỏ các mẹ rằng cháo cà chua là một món ăn tuyệt vời có thể giúp bé không bị cảm cúm nữa. Trong cà chua, hàm lượng acid rất cao giúp bé xua tan cảm giác đau rát cổ họng, thêm sữa sẽ làm món ăn có mùi vị hấp dẫn cũng như bổ sung dưỡng chất cho bé. Hay đơn giản hơn hãy làm thành một loại sinh tố giữa hai loại thực phẩm cà chua và sữa. Bé sẽ uống ngon lành.
Bên cạnh 4 món cháo trên, các mẹ cần chú ý bổ sung các loại thực phẩm sau để giúp bé mau khỏi bệnh:
Các nhóm thực phẩm có thể phòng và chữa cảm
Thực phẩm có tính kiềm
Môi trường kiềm tính của cơ thể không có lợi cho sự sinh sôi của mầm bệnh, nếu có thể duy trì được môi trường kiềm tính thì độc tố cũng không thể đọng lại trong cơ thể, cho nên cần ăn nhiều thực phẩm kiềm tính. Thay đổi môi trường trong cơ thể chính là phương pháp tốt nhất để nâng cao khả năng miễn dịch.
Các thực phẩm tính kiềm: Táo, nho, cà chua, cà rốt, hải sản….
Thực phẩm có chứa vitamin A
Vitamin A làm ổn định tế bào da trên cơ thể, tăng khả năng miễn dịch của cơ thể. Khi thiếu vitamin A, khả năng chống tế bào gây bệnh cũng giảm thấp, dễ lây nhiễm đường hô hấp.
Ăn nhiều các thực phẩm: sữa, trứng gà, cà rốt, rau, dầu cá…
Thực phẩm có chứa vitamin C
Vitamin C có tác dụng chống cảm nhiễm và rèn luyện khí lực. Vitamin C có tác dụng kháng thể, nâng cao khả năng miễn dịch, đẩy chất độc hại ra khỏi tế bào bạch cầu, khôi phục tế bào bị phá vỡ. Khi cảm cúm hay sốt, nồng độ vitamin C của tế bào bạch cầu có thể giảm thấp, cho nên cần chú ý bổ sung các thực phẩm chứa vitamin C.
Ăn nhiều các thực phẩm: Dâu tây, lê, cam quýt, ớt xanh, rau cần tây…
Thực phẩm có chứa kẽm
Kẽm có thể khống chế sự sinh sôi của mầm bệnh gây cảm lạnh, đồng thời tăng khả năng miễn dịch của cơ thể.
Một vài lưu ý khi chăm sóc trẻ bị nhiễm cúm
– Bạn nên giữ ấm cho bé, nhất là những bộ phận dễ bị nhiễm lạnh trên cơ thể bé như cổ họng, chân, tay…
– Đặt bé nằm trong phòng thoáng khí, tránh gió lùa trực tiếp.
– Bạn nên thay quần áo ngay sau khi bé bị sốt cao, đổ mồ hôi nhiều. Đồng thời bạn nên lau cơ thể bé bằng nước ấm để hạ sốt hàng ngày: dùng nước đun sôi để nguội pha ấm và lau toàn bộ cơ thể bé, bạn nên chú ý đến vùng cổ, hai bên nách và vùng da bẹn của bé. Bạn tuyệt đối không được dùng nước đá chườm cho bé vì nhiệt độ thấp sẽ khiến các mạch máu của bé bị co lại.
– Nếu không vệ sinh, bé có thể bị nhiễm trùng da, rôm sảy, ngứa ngáy, khó chịu và khiến tình trạng cảm cúm càng nghiêm trọng hơn.
– Bạn không nên ủ ấm quá cho bé: việc ủ ấm chỉ khiến cho thân nhiệt bé bị tăng cao, gây nên tình trạng sốt cao co giật ở bé.
– Bạn có thể cho bé dùng thuốc hạ sốt nhưng phải theo chỉ dẫn cụ thể của bác sĩ.
– Bạn nên tăng cường các cữ bú trong ngày hoặc cho bé dùng thêm nước đun sôi để nguội để bù vào lượng nước đã mất. Bạn cũng nên ăn uống đủ dinh dưỡng để tăng chất lượng sữa cho bé.
– Với bé ở độ tuổi ăn dặm, bạn có thể cho bé dùng nước hoa quả, nước cháo, nước canh… Cho bé ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày với những loại thức ăn dạng lỏng, dễ tiêu hóa. Các loại rau, củ, quả chứa nhiều vitamin C giúp bé tăng cường sức đề kháng và mau khỏi cúm.
– Nếu bé bị chảy nước mũi, bạn nên dùng khăn xô (hoặc khăn vải mềm) lau cho bé. Nếu bé bị tắc mũi, bạn có thể dùng nước muối sinh lý hoặc thuốc nhỏ mũi (loại dành riêng cho bé) để nhỏ và làm thông mũi bé.
– Nếu bé bị ho, bạn cho bé uống các loại thuốc ho dạng siro nhưng phải tham khảo ý kiến bác sĩ. Việc bạn tự ý mua thuốc trị ho có thể làm tăng thêm tình trạng đau họng ở bé.