Mỗi quán một phong cách, dù sang trọng hay tạm bợ ở vỉa hè thì những cửa hàng bánh mì này đều đã tồn tại lâu năm, gần gũi và trở thành một phần trong ký ức của người Sài Gòn.
1. Bánh mì Hòa Mã, ký ức bánh mì Sài Gòn
Trong suy nghĩ của nhiều người, bánh mì là thức ăn nhanh, phù hợp với cuộc sống vội vã. Nhưng trong một con hẻm nhỏ ngay giữa trung tâm Sài Gòn (quận 3), vào mỗi buổi sáng, rất nhiều người tìm đến đây, ngồi trên những chiếc ghế cũ kỹ, chậm rãi thưởng thức một phần bánh mì thập cẩm trước khi bắt đầu cho một ngày mới.
Tiệm nhỏ xíu, xập xệ, bảng hiệu cũ kỹ đã nhuốm màu thời gian nhưng chất lượng bánh mì thì vẫn nguyên hương vị như những ngày đầu. Thành phần của bánh mì ở đây không có gì đặc biệt, cũng ốp la, chả lụa, thịt nguội, pate, đồ chua… nhưng thay vì cho vào trong ổ bánh mì thì tất cả được chiên vàng trên một chiếc chảo nhỏ nên luôn đảm bảo độ nóng giòn và thơm ngon cho thực khách.
Đã hơn 50 năm, bảng hiệu của quán đã phai màu thời gian, bà chủ ngày ấy giờ đã ngoài 80 tuổi, nhưng ngày qua ngày, vẫn đứng đó thái thịt, chả… những công việc đã cũ, quen thuộc với thời gian.
2. Bánh mì thịt nguội, món ‘cơm Tây’ ở Sài Gòn
Được người Hà Nội xưa gọi là cơm Tây, cửa hàng bánh mì trên đường Trần Đình Xu (quận 1) đã có tuổi đời gần 40 năm. Có thể nói đây là hàng bánh mì không hề giống bất kỳ quán bánh mì nào khác ở Sài Gòn với phần nhân, phần bánh riêng biệt nhau và không hề có nước sốt.
Cái tạo nên thương hiệu ở đây chính là thành phần thịt nguội ăn kèm với bánh mì. Giữ trọn vẹn hương vị và phong cách thưởng thức của ẩm thực Pháp, tất cả nguyên liệu hấp dẫn như: pate gan, phô mai, thịt nguội, jambon gà, giò thủ, xúc xích, thịt xông khói, pate gà… được cho vào một chiếc đĩa và ăn kèm với ổ bánh mì đặc ruột thoang thoảng hương thơm của bơ.
Ngoài những thực khách trẻ tuổi là học sinh, sinh viên, giới văn phòng thì còn có một bộ phận khách hàng là người lớn tuổi. Họ ghé đây ăn vì những hoài niệm về tuổi trẻ, và hơn tất cả, thịt nguội ở đây vẫn giữ được hương vị thơm ngon như khi xưa.
3. Xe bánh mì rong hơn nửa đời người
Chủ nhân của xe bánh mì này bà Tư đã gần 80 tuổi, hơn 50 năm qua, cứ đúng 22h là bà lại đẩy xe ra góc đường Lê Văn Sỹ – Trần Huy Liệu (quận 3) để bắt đầu cho một ngày mưu sinh. “Ngoại đi bán bánh mì khi con trai mới hơn một tuổi, lúc đó còn trẻ, khỏe, nên ngoại gánh bánh mì bán rong qua các con đường. Từ khu chùa Khmer bên bờ kênh Nhiêu Lộc qua đến bên ga xe lửa (quận 3). Ngày nào cũng đi từ sáng đến tối mịt. Giờ ngoại lớn tuổi, không còn sức đi nữa nên đứng bán ở đây, cũng được mười mấy năm”, vừa làm bánh mì cho khách, bà Tư vừa kể.
Nhìn dáng người hom hem, mái tóc bạc phơ của bà mà không khỏi ái ngại. Gần 80 tuổi nên bà Tư không còn nhanh nhẹn, cứ từ từ làm từng ổ một, người mua cũng nhẫn nại đứng chờ, không ai hối thúc hay cằn nhằn điều gì. “Giờ già cả rồi, có làm nhanh được đâu, cũng may là ai cũng thương ngoại nên cứ đứng chờ”, bà Tư vừa cười móm mém vừa nói.
Cứ thế, khách ghé đến rồi lại đi, suốt bao nhiêu năm qua, xe bánh mì của bà Tư cứ lặng lẽ tồn tại nơi góc vỉa hè. Trong cái lạnh của Sài Gòn khi đêm về, ổ bánh mì nóng giòn không chỉ giúp người đi đường đỡ đói lòng mà còn mang đến cảm giác ấm áp, thân thương.