Stress, nguyên nhân chính gây chứng cuồng ăn
Stress là nguyên nhân chính khiến giới trẻ hiện đại mắc chứng cuồng ăn. Bạn có cảm giác luôn muốn ăn nhiều hơn không? Có thể do bạn vận động quá nhiều hoặc đói quá mức. Tiến sỹ Susan Bowerman, thành viên Ban tư vấn dinh dưỡng của Học viện dinh dưỡng Herbalife, Phó Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng Los Angeles, California, Mỹ cho biết, stress là nguyên nhân chủ yếu giới trẻ hiện đại mắc chứng cuồng ăn.
Chứng cuồng ăn là cách ăn nhằm thoát khỏi những rắc rối. Đôi khi quyết định ăn uống là chủ quan, có ý thức nhưng cũng có khi lại là một kiểu phản ứng mù quáng khi tâm trạng của bạn bị mơ hồ, tiêu cực và bế tắc. Bạn có thể không biết điều gì khiến bạn cảm thấy bất an, nhưng bạn biết những món ăn ngon có thể giúp tinh thần bạn tốt hơn.
Theo tiến sỹ Bowerman, dùng cách ăn uống để đối phó với stress có nguyên nhân di truyền: Từ xa xưa, áp lực lớn nhất của nhân loại chính là thiếu thực phẩm, nếu được ăn no, mọi vấn đề sẽ được giải quyết. Nhưng trong xã hội hiện nay, áp lực lại bắt nguồn từ công việc, hôn nhân và các mối quan hệ con người… Trước những loại áp lực mới xuất hiện này, gen của chúng ta chưa thể thích ứng kịp, nên vẫn phải đưa nó vào phạm trù áp lực do “thiếu thực phẩm”.
Tuy nhiên, trên thực tế, cho dù bạn ăn uống thế nào thì áp lực vẫn còn đó, ngoài việc khiến bạn trở nên phát phì, nó không thể giải quyết bất cứ rắc rối nào cho bạn.
Làm thế nào để phân biệt giữa đói thật và đói ảo?
Chứng cuồng ăn do stress thường xảy ra đột nhiên, chẳng hạn như khi chưa đến giờ ăn cơm, đột nhiên thèm ăn một món cụ thể nào đó như cánh gà chiên cay, khoai tây chiên, bánh ngọt… Những thực phẩm giàu đường, giàu chất béo và giàu calo này có thể khiến não bạn tiết ra một loại chất giúp bạn có cảm giác thoải mái vui vẻ.
Nhưng sau khi sự vui vẻ của não bộ qua đi, lượng calo nạp vào cơ thể quá nhiều nó sẽ chuyển sang cảm giác tội lỗi, thất vọng. Trong khi đó, những cơn đói sinh lý thường từ từ xuất hiện, đói dần dần và vẫn có thể chịu đựng được, vẫn có đủ lý trí để lựa chọn một bữa tối lành mạnh. Hơn nữa khi ăn no, bạn sẽ cảm thấy hài lòng chứ không phải cảm thấy tội lỗi.
Cách đối phó với chứng cuồng ăn do stress
TÓM TẮT
Phân chia cơn đói
Dành thời gian ghi lại mức độ đói của bạn, chia mức từ 1 đến 10: Mức 1 là cảm giác đói nghiêm trọng, cảm thấy có thể ăn được một con bò; Mức 10 là rất no, cần phải nới lỏng thắt lưng. Sau đó ghi cẩn thận cảm giác từng mức độ của bạn. Việc này có thể xác định bạn có cần ăn hay không.
Trong những trường hợp thông thường, mức 3 – 4 là thời điểm khá thích hợp để ăn – Bạn vừa không bị ăn quá nhiều, cũng sẽ không lãng phí đồ ăn do no bụng. Còn khi ăn đến mức 7 và 8 chính là lúc tốt nhất để buông đũa.
Tìm kiếm những món thay thế thích hợp
Tức là dùng một phương thức khác thay thế cho việc ăn uống như đi bộ, nghe nhạc, ngồi thiền, đọc sách hoặc “nấu cháo” điện thoại với bạn bè. Những cách này đều lành mạnh hơn so với việc ăn uống.
Nếu những lúc bạn không thể từ bỏ được thói quen ăn vặt, có thể dùng một số thực phẩm lành mạnh để thay thế như các loại hạt, các loại hoa quả cũng có thể mang lại cảm giác no nhất định. Tuy nhiên, cách tốt nhất vẫn là “trì hoãn”. Cảm giác cuồng ăn do stress thường đến rất nhanh và đi cũng rất nhanh. Khi cảm giác thèm ăn của bạn bị trì hoãn bởi một chuyện khác, không lâu sau bạn cũng sẽ hoàn toàn mất hứng với đồ ăn.
Uống trà vào buổi chiều
Hầu hết các cơn đói do stress đều xảy ra vào buổi chiều, bởi vì lúc này bạn đã làm việc hơn nửa ngày vừa mệt vừa cáu. Tự pha cho mình một cốc trà là cách thư giãn rất tốt, cũng có thể tránh được sự cám dỗ bởi các món ăn vặt sau giờ tan sở. Như trên đã nói, hoa quả, các loại hạt, sữa chua đều là những món mang lại cảm giác no bụng rất tốt, bạn có thể vừa ăn chúng vừa uống trà.
Quan tâm đến cảm xúc
Cuối cùng, chứng cuồng ăn do stress chính là do cơ thể bạn chịu một áp lực nhất định. Trong xã hội hiện đại, quan tâm và coi trọng áp lực của bản thân, kịp thời điều chỉnh tâm trạng vô cùng quan trọng. Khi bạn là một nạn nhân của chứng cuồng ăn, nhất định phải dành nhiều thời gian thay đổi tình trạng này. Nếu cần có thể tư vấn các chuyên gia tâm lý.
Đọc thêm: DoiVi.Net